7 kiểu nhân viên các sếp ngại tuyển dụng
Các nhà tuyển dụng thường khá e dè với những kiểu nhân viên ảo tưởng sức mạnh, lười biếng, bảo thủ…VNTesters muốn chia sẻ để các bạn có thể dành vài phút tự đánh giá lại bản thân từ đó có thể hoàn thiện bản thân hơn. Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn thành công hơn trong công việc và sự nghiệp kiểm thử phần mềm mà các bạn đã chọn.
1. Kiểu ảo tưởng sức mạnh
Các bạn sinh viên mới ra trường thường gặp phải lỗi này nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng không ít các bạn đã đi làm rồi vẫn mắc phải lỗi quá ảo tưởng về sức mạnh của bản thân. Chẳng có mấy kinh nghiệm, chẳng biết làm việc gì, nhưng luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng “lương dưới 10 củ em không làm”. Dù có tốt nghiệp thủ khoa hay từ Anh, Mỹ trở về thì kiểu này cũng chẳng bao giờ qua được vòng phỏng vấn.
Doanh nghiệp không trả tiền cho bằng cấp hay kiến thức của bạn mà trả tiền cho những gì bạn có thể đóng góp được. Gặp kiểu này thì nhà tuyển dụng thường: “Thôi xin chúc mừng em và anh tin rằng em sẽ sớm thành công với lý tưởng của mình”.
2. Kiểu lười biếng & thiếu thực tế
Tuổi đời thì trẻ, kinh nghiệm thì ít hoặc không có, nhưng luôn muốn tìm những công việc nhẹ nhàng ổn định, lương…cao. Phải ở lại làm thêm hoặc cuối tuần phải đi làm là tỏ ra khó chịu và cho rằng “bị bóc lột”. Nhóm này luôn có một niềm tin mãnh liệt về một thứ gọi là “công việc ổn định”, đáng tiếc là trong thời đại “agile” mọi thứ thay đổi chóng mặt thế này thì chẳng còn có công việc nào gọi là “ổn định” hết.
Thông minh tài năng mà lười thì đã đành, nhiều bạn vừa không có gì xuất sắc vừa chẳng chăm chỉ. Làm việc được 1-2 hôm đã kêu và sau đó thường cũng sớm được mấy sếp nói lời tạm biệt, thường là hết hợp đồng lao động vì đây là thời điểm phù hợp nhất vì không còn ràng buộc và mấy sếp cũng quá hiểu bạn là ai.
3. Kiểu chém gió
Nói rất nhiều, nói rất hay, phân tích lập luận đều vào hàng siêu đẳng, kinh tế vĩ mô hay vi mô, Việt Nam hay Thế giới đều có đàm luận ở mức cao thâm. Nhưng đến khi bắt tay vào làm thì chẳng được việc gì.
Nhóm này thường gây ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng nhưng trời chỉ cho mỗi người một sở trường, đứa giỏi ba hoa thường không còn sở trường nào khác.
4. Kiểu đứng núi này trông núi nọ
Làm cho công ty này nhưng tâm hồn lại ở các công ty khác. Chưa đóng góp được gì cho công ty mà chỉ luôn bận tâm tìm xem công việc nào trả lương cao hơn, có cơ hội thăng tiến tốt hơn và nhanh chóng chuyển việc.
Các bạn này chẳng bao giờ học và làm được điều gì đến nơi đến chốn vì chưa bao giờ dành đủ tâm huyết cho công việc. Thực tế là chẳng có mấy sếp muốn nhận những người mau mau chóng chóng học hết mọi thứ rồi ra đi.
5. Kiểu bảo thủ
Đã kém nhưng không biết tiếp thu mà luôn tỏ ra rất nguy hiểm với 1001 kiểu lập luận phản biện. Kiểu này đôi khi tự cho rằng mình “giỏi tư duy phản biện – critical thinking”.
Gặp kiểu này thì những nhà tuyển dụng có kinh nghiệm chẳng bao giờ thèm tranh luận vì biết là có nói thế nào ứng viên vẫn nghĩ rằng mình đúng. Cứ gật đầu cho ứng viên nói thoải mái để kết thúc cuộc nói chuyện, phỏng vấn cho sớm rồi đi làm việc khác, đỡ mất thời gian.
6. Kiểu thụ động & không có chí tiến thủ
Cứ phải cầm tay chỉ việc, từ cái việc bé li ti như con kiến, giao việc xong còn phải thúc vào mông thì mới chịu làm, không ai nói gì thì ngồi Facebook cả ngày. Sức ì lớn như xe lu, khen chê thưởng phạt các kiểu cũng không suy chuyển. Kiểu này mà cho ra chiến trường để cản xe tăng thì tốt phải biết, còn trong công ty thì chẳng sếp vào vị trí gì được.
Không ham học hỏi, ngại tiếp xúc với cái mới, luôn sợ bị người khác chê cười, lòng tự trọng to như con voi mà tinh thần cố gắng to như con kiến. Dễ chấp nhận, nhanh thoả mãn. Không thích bị người khác nhắc nhở nhưng lại chẳng chịu học hỏi vươn lên. Sách mua về để tủ cả đống nhưng mốc meo cả năm đọc chẳng nổi một quyển.
Các bạn này thường vào công ty sau một thời gian không bị đuổi cũng tự xin nghỉ vì thấy tất cả bạn bè giờ đã lên sếp hết, mỗi mình mình còn lẹt đẹt với sự uất hận vì bị “đánh giá không công bằng”, “không được ghi nhận…”.
7. Kiểu thích bao biện
Em không làm được cái này là vì…
Em không làm được cái kia là do…
Em đã làm nhưng mà…
Nhóm này có một số từ ngữ ưa thích là “Nhưng mà”, “Bởi vì”, “Thật ra là”….
Dùng từ gì thì cũng thế cả thôi, tất cả chỉ là để một cách để bao biện cho sự yếu kém về năng lực hoặc hèn nhát về tinh thần.
Doanh nghiệp không tuyển bạn vào công ty để giải thích “tại sao không làm được”, những cái đó họ thừa hiểu, doanh nghiệp cần tuyển bạn để xử lý vấn đề đó.
Bên cạnh đấy, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh thì bản bạn sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được.
Kết luận: Khi tuổi đời còn trẻ thì kiến thức là thứ có thể học được, kỹ năng là thứ có thể luyện tập được. Nhưng tính cách và tinh thần là cái cần rất nhiều thời gian để vun đắp, nếu bạn thấy hình ảnh của mình ở đâu đó trên kia, hãy lên kế hoạch rèn luyện bản ngay hôm nay.