CV kỹ sư kiểm thử phần mềm

Ai trong chúng ta ít nhất cũng một lần phải đi xin việc trong đời (trừ khi bạn mở công ty hoặc làm việc tại nhà) và việc đầu tiên chúng ta làm là chuẩn bị CV. Dù muốn hay không, dù giỏi viết lách hay không, dù tiếng Anh giỏi hay dở bạn vẫn phải viết CV. Tuy nhiên, dù bạn có tùy biến như thế nào thì CV của bạn cũng cần đạt được những yếu tố cơ bản sau:

Đúng chính tả

Mình không bao giờ chấp nhận một CV mắc lỗi chính tả đặc biệt là từ một kỹ sư kiểm thử. Tại sao ư? Có 2 lí do. Thứ nhất, việc kiểm tra lỗi chính tả ngày nay trên văn bản đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nếu bạn không biết kiểm tra lỗi chính tả trên văn bản như thế nào thì tốt nhất là không nên viết CV tìm việc. Thứ hai, bạn không muốn làm điều thứ nhất. Viết đúng chính tả cho thấy bạn tôn trọng người đọc đồng thời cho thấy bạn dành thời gian cho CV.

Đơn giản là hoàn hảo

Image credit: http://www.keepcalm-o-matic.co.uk/

Image credit: http://www.keepcalm-o-matic.co.uk/

Khi viết CV bạn có thể dựa vào template mẫu hoặc bạn cũng có thể tự tạo template cho mình nhưng dù bạn chọn template nào đi nữa thì yếu tố đơn giản, gọn gàng, chuyên nghiệp là điều không thể thiếu trong mỗi CV. Mình biết nhiều bạn rất giỏi về soạn thảo định dạng văn bản và cũng muốn gây ấn tượng với người đọc nhưng bạn không nhất thiết phải thể hiện tất cả điều đó trong CV bằng cách in đậm, in nghiêng, gạch dưới, sử dụng nhiều loại font khác nhau, màu sắc lòe loẹt. Nguyên tắc của mình chỉ ứng dụng một loại font chữ duy nhất, tránh những font chữ cầu kỳ khó đọc.

Đừng quá ngắn … cũng đừng quá dài

Có nhiều bạn có thể vì không giỏi viết lách, trình bày hay dựa vào quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương” dẫn đến một CV quá sơ sài đơn giản đến nỗi người đọc mơ hồ về kỹ năng của ứng viên. Về cơ bản, viết CV giống như bạn đang làm một chương trình marketing. Bạn đang quảng cáo về bạn, về năng lực của bạn cho một người không biết bạn là ai. Dĩ nhiên, bạn cũng không cần phải dài lê thê và liệt kê hết tất cả những kỹ năng bạn có hay dự án bạn đã trải qua đôi khi không liên quan đến vị trí ứng tuyển. Hãy tự hỏi tại sao bạn lại muốn liệt kê kỹ năng này và kỹ năng này liên quan như thế nào đến các yêu cầu tuyển dụng. Một CV tầm 2-3 trang là phù hợp.

Thông tin cập nhật

Bạn cần đảm bảo rằng số điện thoại hay địa chỉ email liên lạc được cập nhật nếu có thay đổi. Một điều khác cần lưu ý khi viết CV là tránh liệt kê tất cả những kỹ năng mình biết đặc biệt là những kỹ năng này không liên quan đến yêu cầu công việc hay đã quá cũ. Mình vẫn thỉnh thoảng nhận được CV trong đó mô tả ứng viên có kỹ năng làm việc trên những hệ điều hành/ứng dụng đã quá cũ Windows 2000 /Vista hay Access. Trừ khi yêu cầu công việc đòi hỏi những kỹ năng cụ thể đó, nếu không bạn nên bỏ bớt và chỉ giữ lại những công nghệ cập nhật đến thời điểm viết CV.

Viết cùng ngôn ngữ với nhà tuyển dụng

Sự đa dạng cộng với việc tiếp cận, ứng dụng kiểm thử khác nhau ở mỗi tổ chức công ty dẫn đến một sự bát nháo và gây nhầm lẫn về mặt ngôn từ trong kiểm thử phần mềm. Có bao giờ bạn đọc qua một yêu cầu tuyển dụng với cùng vị trí nhưng những yêu cầu cụ thể trong đó hoàn toàn xa lạ với những gì bạn được biết. Bạn thường dùng chữ “Bug” nhưng nhà tuyển dụng sử dụng “Defect”. Bạn biết về QC, JIRA nhưng nhà tuyển dụng lại sử dụng “ALM tools”, bạn làm “Bug triage” trong khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn kỹ năng “Bug review” v.v. Nếu bạn hiểu bạn và nhà tuyển dụng đang nói về cùng một thứ thì bạn nên tùy chỉnh CV để nói cùng ngôn ngữ với nhà tuyển dụng. Điều này giúp bạn và nhà tuyển dụng tăng cơ hội hiểu nhau hơn.

Tùy chỉnh CV cho mỗi vị trí

Image credit: www.softicons.com

Image credit: www.softicons.com

Có một sai lầm phổ biến mà nhiều bạn mắc phải là sử dụng một CV duy nhất rồi nhân bản và “rải” ở tất cả những vị trí những công ty mà ứng viên quan tâm với quan niệm rằng “rải” càng nhiều càng tốt thế nào cũng có công ty gọi đi phỏng vấn. Để tránh việc gửi CV hàng loạt và không chủ đích bạn nên gửi những CV nào bạn nghĩ bạn phù hợp với vị trí, yêu cầu kỹ năng cũng như văn hóa công ty đó.  Ngoài ra, hãy đọc yêu cầu của vị trí tuyển dụng và xem nhà tuyển dụng cần những kỹ năng gì cũng như yêu cầu công việc ra sao để từ đó tùy chỉnh CV mình cho phù hợp. Bạn cũng nên lưu ý, điều này không có nghĩa là bạn nói thêm những kỹ năng mà bạn không có.

Chuyên nghiệp và sáng suốt

Mình cũng có lần đọc CV trong đó ứng viên ghi hẳn mức lương cũng như những đãi ngộ cụ thể mà bạn đó mong muốn. Điều đó không có gì sai nhưng nó khiến mình có cảm giác bạn đó ứng tuyển vào vị trí chỉ vì lương hay vì một đãi ngộ cụ thể nào đó. Mình đánh giá cao sự thẳng thắn nhưng sẽ chuyên nghiệp và sáng suốt hơn nếu ứng viên đó đề cập đến vấn đề đó ở vòng phỏng vấn hoặc đàm phán lương.

Phần dành riêng cho CV kiểm thử

Ngoài những yếu tố cơ bản mà bạn cần lưu ý trong CV bên trên, mình cũng nhấn mạnh thêm những điều sau và bạn cần phải làm nổi bật chúng khi bạn ứng tuyển cho vị trí kỹ sư kiểm thử, quản lý kiểm thử:

Kỹ sư kiểm thử tự động:

  • Automation framework: Nếu bạn có kỹ năng về automation framework, hãy mô tả chi tiết, kinh nghiệm và thành tựu bạn đạt được. Việc bạn nắm rõ về automation framework sẽ cho thấy năng lực về kiểm thử tự động của bạn.
  • Ngôn ngữ lập trình: Làm kiểm thử tự động chắc chắn phải đòi hỏi kỹ năng lập trình càng giỏi càng tốt. Hãy liệt kê ra những ngôn ngữ mà bạn biết và mức độ thành thạo ngôn ngữ đó.
  • Công cụ: Hãy liệt kê ra những công cụ kiểm thử tự động mà bạn đã xài qua, mức độ thành thạo.
  • Nếu bạn có kinh nghiệm về kiểm thử thủ công thì cũng có thể liệt kê ra nhưng ở mức tổng quát hơn.
  • Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thì bạn cũng nên cho mọi người biết bạn đã nghiên cứu những vấn đề đó như thế nào, đọc sách nào cũng như đã tham gia khóa học nào liên quan.

Kỹ sư kiểm thử thủ công:

  • Trường hợp kiểm thử (thiết kế và thực thi)
  • Kỹ thuật kiểm thử bạn đã áp dụng (Boundary, Equivalence, Độ bao phủ code)
  • Những công cụ quản lí trường hợp kiểm thử, bug mà bạn đã sử dụng qua.
  • Những hoạt động kiểm thử bạn đã tham gia như phân tích yêu cầu, thiết kế trường hợp kiểm thử, thực thi, tìm bug, review bug với khách hàng, quản lí vòng đời bug,
  • Thành tựu bạn đạt được. Có thể là số lượng trường hợp kiểm thử thiết kế, những lỗi đặc biệt mà bạn tìm được và thành tựu bạn đạt được cùng với team.
  • Nếu bạn có kỹ năng kiểm thử tự động bạn cũng có thể liệt kê ra nhưng ở mức tổng quát hơn

Quản lí dự án/trưởng nhóm kiểm thử:

  • Các kỹ năng quản lí dự án như phỏng vấn, giao việc, quản lí/báo cáo tiến độ dự án, động viên, đánh giá năng lực thành viên trong nhóm, giải quyết tranh chấp trong dự án v.v.
  • Quản lí kiểm thử: Thiết kế và review kế hoạch kiểm thử, chuẩn bị môi trường kiểm thử, kèm cặp và hướng dẫn các thành viên mới trong nhóm, cải tiến công việc kiểm thử, báo cáo, giao kết quả kiểm thử v.v.
  • Nhấn mạnh thành quả bạn đạt được chẳng hạn đạt được sự hài lòng từ khách hàng, thêm dự án cho công ty, giảm chi phí thực thi kiểm thử hay tăng năng suất của đội dự án.

Một CV tốt là một khởi đầu tốt cho quá trình tìm việc. Việc bạn có được gọi đi phỏng vấn hay không tùy thuộc rất lớn vào quá trình chuẩn bị CV này. Hãy đảm bảo CV của bạn không có lỗi chính tả, trình bày đơn giản, viết ngắn gọn, thông tin được cập nhật, trình bày theo ngôn ngữ của nhà tuyển dụng và được chỉnh sửa cho từng vị trí ứng tuyển. Ngoài ra, tùy vào vị trí ứng tuyển như kỹ sư kiểm thử tự động, thủ công hay cấp quản lí bạn cũng cần có những điểm nhấn tương ứng. Hãy đầu tư thời gian và công sức cho CV của bạn vì nó xứng đáng được như vậy.

Các bạn có thể download và tham khảo template mẫu của mình tại đây. Chúc các bạn may mắn.

Có thể đọc thêm:
Các câu hỏi thú vị phỏng vấn kỹ sư kiểm thử phần mềm.
Cần chuẩn bị gì khi phỏng vấn vị trí kỹ sư kiểm thử phần mềm?
Những điều nên biết khi đi phỏng vấn xin việc.
5 lời khuyên khi phỏng vấn cho các bạn mới tốt nghiệp.