Chẳng sếp nào muốn chia tay nhân viên tốt
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi đổ lỗi cho lãnh đạo, nên nhìn nhận khách quan nhất về bản thân, về những gì mình làm và giá trị của bản thân ở đâu. Tuần trước VNTesters có đăng lại bài người ta không rời bỏ công ty – họ từ bỏ những người lãnh đạo từ Thảo Gấu’s blog. Hôm nay VNTesters lại mạn phép đăng thêm 1 bài nữa của bạn Thảo Gấu đứng ở góc độ một người quản lý để cho các bạn lãnh đạo khỏi ấm ức.
Thông thường, người ta có một số lý do lớn nhất để đi làm. Ấy là kiếm tiền – ấy là được làm việc mình thích – ấy là được cống hiến trong 1 công ty danh tiếng…Càng đi làm lâu, thứ tự ưu tiên của các lý do ấy càng dễ thay đổi.
Ví dụ khi bạn mới ra trường, bạn muốn cống hiến, bạn muốn thử sức mình, bạn chấp nhận một mức lương vừa phải đủ để duy trì cuộc sống.
Khi bạn đi làm được 5 năm, bạn cần chi tiêu nhiều hơn, kinh nghiệm bạn cũng dày dặn hơn, bạn cần nhiều tiền để trang trải, để thể hiện giá trị bản thân.
Khi bạn có 10 năm kinh nghiệm, bạn đủ để hiểu mình có thể làm gì, cần gì, kinh tế của bạn cũng không đến nỗi quá eo hẹp (nếu bạn là người có thực lực) – bạn kiếm tìm một công việc bạn thích – một người lãnh đạo có tầm nhìn đủ đế đánh giá được năng lực của bạn và biết sắp xếp bạn vào vị trí nào để bạn có thể phát huy được nhiều nhất.
Như vậy, để có thể đánh giá được sếp có đủ khả năng trở thành lãnh đạo của bạn không? bạn cần ít nhất 5-10 năm làm việc.
Nhân viên thường nói: sếp ngu hơn mình, dốt hơn mình mà ít khi nhìn nhận một thực tế rằng: Không có ai tự nhiên được làm lãnh đạo – để được ngồi vào vị trí quản lý, người ta phải có năng lực – bất kể là năng lực loại nào. Và không có sếp dốt – chỉ là nhân viên có phù hợp với sếp không mà thôi.
Đứng ở vị trí của một người làm tuyển dụng, đã rất nhiều lần tôi gặp phải những trường hợp mà tôi không biết phải miêu tả thế nào về ứng viên. Các bạn hoang tưởng về sức mạnh bản thân, về năng lực của mình và đánh giá thấp khả năng nhận biết của người làm lãnh đạo.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình đi làm, không ít lần tôi phải nghe những câu phàn nàn kiểu: sếp không biết nhìn nhận năng lực người khác – sếp thiên vị – sếp bất tài. Thay vì nỗ lực thể hiện bản thân, bạn chỉ thích chỉ trích và đổ tội. Trong khi nói những điều đó, các bạn hoàn toàn không nhận ra một điều cực kỳ đơn giản: không ai muốn công ty mình dừng phát triển và không ai muốn bỏ đi 1 nhân tài.
Thế nên, trước khi đổ lỗi cho lãnh đạo, bạn nên nhìn nhận một cách khách quan nhất về bản thân mình, về những gì mình đã làm, có thể làm và giá trị của những việc làm ấy ở đâu?
Tiếp đó, nếu câu trả lời của bạn vẫn là: sếp không biết nhìn nhận thì bạn nên ra đi chứ không nên ngồi đó tiếp tục đổ lỗi cho lãnh đạo của mình bởi vì trong một cuộc chia tay, hoặc 1 người có lỗi – hoặc cả 2 bên cùng không thể chấp nhận nổi nhau. Tin tôi đi, nếu sếp bạn là người thực sự không biết nhìn nhận thì sự ra đi của bạn hoàn toàn không hề làm cho sếp phải nuối tiếc – mà khi người ta không có cảm giác muốn giữ mình ở lại thì có lẽ lỗi không còn là ở họ nữa rồi!
Nguồn: Thảo Gấu’s blog