2 đặc điểm của một công việc lý tưởng

Chia sẻ của anh Việt Hùng về một công việc lý tưởng. Công việc lý tưởng là công việc khiến bạn hạnh phúc, phấn khích mỗi khi thức dậy đi làm vào buổi sáng và thậm chí là cả khi bạn phải đi làm vào cuối tuần. Bài viết dưới đây được biên dịch từ bài gốc tiếng Anh với sự đồng ý của tác giả.

Trong một lần ăn trưa với bạn, chúng tôi cùng định nghĩa về một công việc lý tưởng. Thường thì khi chúng ta không hỏi, chúng ta sẽ không có câu trả lời. Vậy thế nào là một công việc lý tưởng?

Đối với tôi, câu trả lời rất đơn giản. Công việc lý tưởng là công việc khiến bạn hạnh phúc, phấn khích mỗi khi thức dậy đi làm vào buổi sáng và thậm chí là cả khi bạn phải đi làm vào cuối tuần. Công việc đó không khiến bạn thấy phiền khi phải làm thêm giờ buổi tối. Và thậm chí khi phải làm thêm giờ, sức khỏe của bạn không bị ảnh hưởng vì bạn cảm thấy làm việc giống như một thú vui chứ không phải gánh nặng. Tôi muốn nhấn mạnh 2 điều: được cống hiến và được học hỏi.

Achievement

1. Được cống hiến

Để không trở thành kẻ vô dụng

Điều đầu tiên về một công việc lý tưởng là bạn thật sự có thể cống hiến vì công việc. Thử tưởng tượng xem khi bạn tới văn phòng, làm việc vất vả cả ngày. Bỗng nhiên cuối cùng bạn nhận ra là mồ hôi công sức của mình chẳng thể đóng góp gì vào việc phát triển của công ty (không thể tăng doanh thu, không thể khiến khách hàng hài lòng, bạn làm việc như điên vì điều gì đó, nhưng điều đó không phải là điều khách hàng của bạn muốn…)

Bạn cảm thấy mình vô dụng, đúng không? Điều đó khiến bạn nhụt chí đi rất nhiều vì nhận ra bạn đã tốn thời gian vô ích thế nào. Tuy nhiên đôi khi điều đó cũng mang lại tín hiệu tích cực nào đó. Bởi vì ít nhất, bạn đã tập trung vào công việc và cố gắng rồi.

Nếu như bạn tới văn phòng và thấy mình không muốn làm gì cả. Bạn cố gắng trì hoãn công việc, tranh luận với đồng nghiệp về những việc không có ích lợi gì đối với kết quả công việc. Điều này tuy có cùng mức độ ảnh hưởng xấu nhưng thậm chí nó còn tệ hơn. Bạn sẽ thấy cảm giác quen thuộc: vô dụng. Đó chính là lý do tại sao bạn cảm thấy chán nản và kiệt sức. Và đó là cách mà cuộc đợi bạn lao dốc. Bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn như vậy.

Để có động lực làm việc, để được tự hào

Bây giờ hãy tưởng tượng bạn tới văn phòng, làm việc như điên cả ngày. Bạn thấy khách hàng của mình hài lòng. Bạn nhận được lời khen về chất lượng sản phẩm mà bạn làm ra. Bạn thấy đồng nghiệp thích thú với những điều bạn và họ cùng góp sức làm vì nó trở thành một sản phẩm/dịch vụ tuyệt vời mà bạn có thể mang đi chào mời khách hàng. Chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời, không chỉ bởi vì thành quả đó mà còn là cảm giác mình có ý nghĩa khi cống hiến.

Nếu bạn có thể cống hiến vì công việc, bạn sẽ thấy hạnh phúc với công việc đó. Và để có thể cống hiến, nỗ lực là chưa đủ, mà còn cần tới văn hóa công ty, môi trường làm việc, nhân sự. Nếu bạn thấy môi trường và văn hóa làm việc ở công ty bạn có gì đó không ổn, rất khó để bạn cống hiến hằng ngày cho tới khi bạn muốn đầu hàng. Đó là thời điểm công việc không còn khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.

2. Được học hỏi

Hãy thử tưởng tượng bạn cống hiến cho công việc hằng ngày và bạn cảm thấy thật phấn khích mỗi khi tới văn phòng. Nhưng nếu xét một cách sâu xa hơn thì tôi muốn thêm một điều vào định nghĩa công việc lý tưởng. Đó chính là cơ hội để bạn học hỏi trong công việc, để trau dồi bản thân mỗi ngày. Đó cũng là một nhu cầu cơ bản của con người. Nếu bạn cảm thấy mình không tiến bộ trong một khoảng thời gian thì bạn sẽ lại cảm thấy thiếu động lực trong công việc thôi.

Trong khi vẫn cảm thấy rất hài lòng với công việc trong một thời gian dài, nếu bạn vẫn có thể cống hiến vào công việc, tôi đảm bảo bạn sẽ cảm thấy chán nản nếu không học được điều gì đó trong một khoảng thời gian. Bạn sẽ cảm thấy mình cũ kĩ và lạc hậu. Tôi nói trau dồi bản thân là không nói tới việc được thăng chức hay tăng lương mà muốn nói đến khía cạnh kiến thức và kinh nghiệm bạn học hỏi được từ công việc. Có một số điều mà tôi có thể kể ra ở đây… Bạn sẽ dần trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của bạn, ví dụ như một lập trình viên đẳng cấp thế giới hoặc một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức nền từ những việc bạn làm (tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục…) Hoặc thậm chí bạn có thể học được cách thuyết phục những người khó thuyết phục nhất. Và nếu bạn cảm thấy mình có thể trau dồi kiến thức thêm mỗi ngày, cảm giác đó rất tuyệt, đó chính là một niềm hạnh phúc.

Lời Kết

Tóm lại, bạn có thể tự đánh giá xem công việc hiện tại của mình có phải là lý tưởng không bằng cách đơn giản là trả lời câu hỏi: bạn có vừa cống hiến vừa học hỏi được ở công việc không? Nếu không, bạn cần trả lời câu hỏi tiếp theo: làm thế nào để bạn có thể vừa cống hiến vừa học hỏi trong công việc? Nếu bạn không thể trả lời câu hỏi này trong vòng 6-12 tháng, bạn nên đi tìm kiếm một công việc mới. Hỡi các nhà tuyển dụng, nếu công ty không có các cơ hội để nhân viên cống hiến và học hỏi thì nhân viên sẽ làm việc thiếu hiệu quả và sớm rời công ty thôi.

Phương Nguyễn dịch