quyet doan

Khắc phục tính thiếu quyết đoán trong công việc

Bạn luôn lúng túng hàng giờ liền để cân nhắc nên giải quyết công việc theo cách nào, hoặc cố gắng đoán xem người khác muốn mình làm gì? Đừng lo lắng, rất nhiều người khác cũng gặp những khó khăn tương tự trong việc ra quyết định. Điều quan trọng là bạn cần khắc phục để trở nên quyết đoán hơn. Hãy thử một số cách làm sau:

1. Trân trọng cảm xúc của bản thân

Trong cuộc sống của mình, bạn có hay để những lựa chọn của người khác quyết định cho mình không? Có lẽ bạn thích ăn món đùi gà, nhưng bạn lại nghĩ rằng bạn/đồng nghiệp mình thích món chân gà hơn – thế là thay vì nói rằng bạn thích ăn đùi gà bạn lại gợi ý ăn món chân gà.

Một số người thậm chí còn không biết mình thích cái gì hơn nữa: họ đã quá quen với việc để những người khác ra quyết định cho mình. Trong trường hợp này chỉ cần bạn tự lựa chọn lấy một hướng đi cho mình và cố gắng nhất quán với nó, dần dần bạn sẽ lại cảm nhận được những gì mình thực sự yêu thích.

2. Đừng cố gắng đoán ý người khác

Bạn có thường quyết định làm một điều gì đó chỉ vì bạn muốn làm người khác vui lòng hay không? Có thể đó là sếp của bạn, cha mẹ bạn hay người yêu, chồng/vợ bạn. Việc này liệu có hiệu quả không? Thường thì không. Kể cả khi bạn đoán đúng, bạn sẽ luôn thầm cảm thấy bực mình vì họ đã không để cho bạn làm theo ý mình.

3. Không làm gì cũng là một quyết định đúng

Những người thiếu quyết đoán thường có quyết định là không làm gì cả. Tuy nhiên, đó cũng vẫn là một quyết định – mặc dù đó là điều đáng tiếc. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy bế tắc khi phải kiểm thử hồi quy (regression) 20 bug trong 2 tiếng và bạn không biết có nên hỏi lead hay không. Trong trường hợp này, rắc rối sẽ đến nếu bạn quyết định không làm gì!

4. Đề ra những “Tiêu chí lựa chọn”

Có lúc bạn thực sự không thể quyết định trước quá nhiều lựa chọn. Ví dụ, ra ngoài ăn trưa và không biết liệu mình muốn pizza hay salad. Vì thế, để ra quyết định, bạn có thể sẽ cân nhắc:

– Chọn món nào ít calo hơn (nếu bạn đang cố gắng giảm béo)

– Chọn món nào rẻ hơn (nếu bạn đang cố gắng cắt giảm chi tiêu)

Hãy nhớ, tiêu chí lựa chọn sẽ khác nhau phụ thuộc vào mục đích của mỗi người!

5. Sẵn sàng chấp nhận cơ hội thách thức

Thách thức có thể khiến bạn thất bại nhưng cũng chỉ bằng cách chấp nhận thách thức, bạn mới có thể tiến tới thành công. Hãy đứng lên sau mỗi lần sảy chân và cơ hội của bạn sẽ xuất hiện.

thách thức

6. Tận hưởng thành công

Đừng chững lại ở những trải nghiệm tiêu cực. Hãy rút ra bài học từ chúng và tiến lên. Bạn cũng cần tận hưởng và tự hào về thành công của mình. Nếu có ai đó khen gợi “anh/chị làm tốt lắm”, đừng nói rằng “ Có gì đáng nói đâu”, mà hãy nói “ Cám ơn. Quả là một công việc khó khăn nhưng thật may là tôi đã hoàn thành”.

thành công

7. Tiếp tục học hỏi và cải thiện

Hãy đặt câu hỏi, đề nghị lời khuyên để hiểu rõ hơn về vấn đề bạn quan tâm. Sẽ tốt hơn nếu hỏi và thừa nhận mình không hiểu hơn là giả vờ bạn biết và mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn.

8. Lắng nghe

Lắng nghe là yếu tố quan trọng khi hành động một cách quyết đoán. Nếu không chắc chắn về điều người khác đang nói, bạn sẽ không biết mình nên trả lời hay phản ứng ra sao. Hãy lắng nghe cẩn thận, kiểm tra lại để đảm bảo bạn hiểu đúng khi cần thiết.

9. Thành thật với bản thân

Nếu người khác hỏi điều gì đó mà bạn không biết câu trả lời, hãy thành thật nói không. Bạn không cần phải xin lỗi và giải thích tại sao mình không thể giúp đỡ. Tương tự, bạn không nhất thiết phải làm tất cả những việc mọi người nhờ vả khi không có thời gian.

Tham khảo: dumblittleman & CleverJobs

Hướng dẫn