Những sai lầm cản trở sự nghiệp của bạn

1. Không đặt ra mục tiêu

Nếu bạn muốn thành công trong sự nghiệp của mình, bạn cần biết chính xác bạn đang cố gắng vươn lên tới đâu. Hãy dành thời gian để nghĩ về công việc của bạn và quyết định những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Khi làm một dự án, hãy nhận diện sản phẩm cần đạt được. Sẽ là sai lầm nếu bạn mơ hồ về kết quả mong đợi, bởi cuối cùng kết quả thực tế sẽ không cao. Còn nếu bạn đã đặt ra mục tiêu mà kết quả không chính xác như bạn muốn thì hãy nhớ rằng, đó là kết quả tốt nhất bạn có thể đạt được và nó chắc chắn hơn việc bạn không có mục tiêu.

Song song với đó, một mục tiêu hoàn hảo phải được xác định cách làm, thời gian hoàn thành và thước đo kết quả của sản phẩm.

2. Không đầu tư vào “kĩ năng mềm”

Có nhiều tester rất giỏi test trên nhiều nền tảng khác nhau, và có thể hiểu những cấu trúc rất phức tạp. Thế nhưng, họ không được đánh giá cao và trọng dụng trong công việc. Tester chỉ cần đi tìm lỗi? Đó là một suy nghĩ sai lầm. Tester còn cần đến những kĩ năng mềm trong công việc và tương tác với mọi người.

Hãy xem thực tế nhà tuyển dụng cần gì ở một ltester. Bạn có thấy, bên cạnh những đòi hỏi chuyên môn như “2 năm kinh nghiệm testing” luôn đồng hành những yêu cầu “Kĩ năng làm việc nhóm”, “hòa đồng”, “chịu được áp lực”…

Ví dụ như khi phải thuyết trình về sản phẩm của mình, một người yếu kỹ năng giao tiếp không ngừng lắp bắp, lại còn loay hoay không tài nào truyền đạt được ý tưởng. Là khách hàng, bạn sẽ tin tưởng anh ta? Là một nhà đầu tư, bạn sẽ an tâm bỏ tiền?

3. Không hòa nhập với đồng nghiệp

Chắc hẳn bạn hiểu tầm quan trọng của làm việc nhóm, dù bạn có thích nó hay không thì bạn cũng không thể tránh khỏi. Vì vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn xung đột hay xích mích với đồng nghiệp?

Thân thiện với những người cùng đội nhóm, cùng công ty là một trong những yếu tố không thể thiếu bên cạnh chuyên môn. Nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng công việc mà còn ảnh hưởng tới sự gắn bó lâu dài với công ty và công việc. Ngay từ khi mới gia nhập vào công ty, bước khởi đầu không gì tốt hơn là chủ động làm quen với đồng nghiệp, những người đã và đang chia sẻ những khó khăn trong công việc của bạn. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên để vượt qua chúng.

Không chỉ trong công ty, bạn cũng nên tham gia vào những cộng đồng khác, cả online và offline. Có rất nhiều nhóm Meetup, forum hay các kênh chat để bạn chia sẻ với những đồng nghiệp khác về những chủ đề mà bạn yêu thích, giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn. Bắt đầu viết blog của riêng mình về những kiến thức, kĩ năng chuyên môn cũng là cách kết bạn hữu hiệu.

4. Không chuyên môn hóa

Bạn không nhất thiết phải nắm trong tay một lượng đồ sộ kiến thức hay kĩ năng. Hãy chọn lấy một lĩnh vực và dồn tâm huyết để nắm vững nó. Những chuyên gia thường được săn lùng nhiều hơn, lương cao hơn và tạo được danh tiếng nhanh chóng hơn. Dù bạn muốn là một con cá lớn trong ao, thì bắt đầu từ một chuyên môn nhất định là cách tốt nhất để bạn xây dựng tên tuổi và danh tiếng trong giới công nghệ thông tin.

5. Không làm dự án bên ngoài (side-project)

Trình độ chuyên môn của bạn sẽ được cải thiện: Bởi bạn sẽ phải tự mình đối mặt với nhiều vấn đề kỹ thuật mà bình thường không gặp phải nếu chỉ làm một dạng sản phẩm ở công ty. Hồ sơ của bạn sẽ ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Tên tuổi của bạn được nhiều người biết đến hơn, quen được nhiều bạn bè hơn: Founder của Reader.vn thích đọc sách, và trang web đã kết nối anh ấy với một cộng đồng có cùng sở thích.
Bạn có thêm một nguồn thu nhập khác: chỉ cần 1% sản phẩm bạn tạo ra có nhiều người dùng (Ví dụ như Flappy Bird có hơn 50 triệu lượt tải về trước khi bị gỡ xuống) thì đó sẽ là nguồn thu nhập hấp dẫn bên cạnh đồng lương chính.

Bạn có đang mắc phải lỗi nào trên đây? Nếu có thì bạn hãy hành động ngay để thay đổi, hoàn thiện bản thân hơn và đạt được những bước tiến mới trong sự nghiệp nhé!

Kỹ năng mềm