Quy luật 80/20

Có một câu thành ngữ đã quá quen thuộc “Do the right things and then do the things right“ có nghĩa là “Bạn hãy làm đúng việc rồi sau đó hãy làm đúng cách”. Và một trong những quy luật đã quá quen thuộc “Trong công việc nếu bạn xác định đúng mục tiêu bạn sẽ tiết kiệm khoảng được 80% thời gian để đi đến thành công“ – đó là quy luật Pareto 80/20.

80/20 là gì?

Vào năm 1897, Vilfredo Pareto, một nhà kinh tế học người Ý, trong khi đang học về sự phân bố của cải và thu nhập tại nước Anh trong thế kỷ 19, đã phát hiện ra, phần lớn diện tích đất đai và thu nhập được kiểm soát bởi một lượng nhỏ số người trong xã hội. Trên thực tế, 20% dân số kiểm soát đến 80% của cải và thu nhập. Trong những phân tích và nghiên cứu tiếp theo, nhà kinh tế học huyền thoại này đã phát hiện ra rằng, nguyên tắc này không chỉ đúng trong nhiều quốc gia, giai đoạn lịch sử mà còn đúng với những gì xảy ra ngay trong khu vườn ông ta. Ở đây, ông ta thấy được, chỉ 20% cây đậu Hà Lan ông trồng đã cho ra đến 80% hạt đậu mà ông thu hoạch được.

Vậy vấn đề đặt ra là 20% việc chúng ta làm tạo ra 80% kết quả nhưng 80% công việc còn lại chỉ tạo được 20% kết quả cuối cùng mà thôi. Chúng ta đang phí phạm 80% thời gian của mình vào những việc kém hiệu quả. Theo Richard Koch (Tác giả series sách về quy luật 80/20): “Nguyên lý 80/20 không phải là một công thức huyền bí gì. Nhiều khi mối quan hệ giữa kết quả và nguyên nhân gần tỉ lệ 70/30 hơn là 80/20. Nhưng có một thực tế là ít khi nào xảy ra trường hợp 50% các nguyên nhân dẫn đến 50% kết quả. Chúng ta có thể thấy được vũ trụ này không cân đối, không cân bằng. Một thiểu số lại đóng một vai trò trọng yếu”. Và kết luận được đưa ra là “thượng đế đã sắp đặt thế thì chẳng cần cải thiện gì cả và nó là quy luật rồi”.

Tập trung vào “làm những việc đúng”

Theo Richard Koch, “Quy luật 80/20” có thể giải phóng bạn. Bạn có thể làm việc ít hơn mà vẫn có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn, vui vẻ và nhàn nhã hơn. Ngoài ra còn có một quy luật về “người dẫn đầu”, bạn hãy trở thành người dẫn đầu để chiếm 80% thành công.

Nếu là người lãnh đạo, bạn cần phải tập trung vào 20% công việc mà qua đó, bạn có thể đảm bảo định hướng được cho 80% công việc còn lại diễn ra suôn sẻ. Nếu không, bạn sẽ lọt vào mớ bòng bong, làm quá nhiều nhưng chẳng thứ nào ra hồn và rốt cuộc là tiêu tiền, tài nguyên một cách vô ích. Nếu không làm đúng cách, bạn sẽ chẳng nhận được kết quả gì, mà một số trường hợp còn là con số âm. Ưu tiên hóa và tập trung nguồn lực là công thức đã được chứng minh rất thành công trong nhiều năm qua.

Bạn thường đọc một cuốn sách như thế nào? Từ trang này sang trang khác? Như vậy, bạn đang lãng phí rất nhiều thời gian của chính mình. Thông thường, 80% những thông tin có giá trị nhất gói gọn trong 20% nội dung của quyển sách. Nếu bạn đọc một quyển sách hay tài liệu để giải trí, bạn hãy thử đọc mục lục và phần giới thiệu đầu tiên. Sau đó, là phần kết luận trước khi sang chương đầu, xem qua các biểu đồ, hình vẽ nếu có. Quay lại phần kết luận một lần nữa và có thể xem chi tiết vài phần bạn cảm thấy thật sự thú vị. Với cách đọc như vậy, bạn sẽ nắm được nội dung chính yếu nhất của quyển sách. Trong thế giới tràn ngập những thông tin quá tải như hiện nay, việc rèn luyện và tuân thủ theo quy luật 80/20 là cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận quy luật này và ứng dụng nó trong việc thay đổi nhận thức của bạn.

Nếu bạn được một người đưa cho một tờ giấy trắng có một vết mực trên đó. Bạn sẽ nghĩ gì nhỉ? “Ồ, có một vết mực!”, chính là bạn đã hoàn toàn quên đi vết mực đó nhỏ nhoi trong một tờ giấy phần rất lớn trắng tinh. Nếu bạn phải tiếp 10 người khách, tám người nói chuyện rất vui và thú vị, còn một hoặc hai người cứ thích cãi nhau và làm ta bực bội. Nếu người khác hỏi bạn về buổi tiếp khách, chắc bạn sẽ trả lời: “Không vui lắm, có một người cứ thích cãi lại và luôn làm tôi bực”. Hiếm người sẽ trả lời: “Hôm đó thật tuyệt, hầu như mọi người đều nói chuyện rất vui và tôi thật sự thích thú!”.

Điều này có nghĩa gì? Đó chính là quy luật 80/20, chúng ta thường chú trọng và quan tâm vào 20% tồi tệ và ít để ý đến 80% điều tốt đẹp kia, hoặc ít nhất để 20% điều tồi tệ ảnh hưởng đến suy nghĩ của ta. Ta sẽ tận hưởng cuộc sống một cách thú vị hơn nếu chú ý vào những điều tốt đẹp và ít để tâm đến những chuyện nhỏ làm ta không vui.

Nguồn: vnBrand