Sếp giỏi là người như thế nào?
Mọi người thường không bỏ việc mà họ bỏ… sếp. Những nhân viên yêu quý sếp giỏi sẽ ở lại công ty ngay cả khi họ đã tìm được chỗ khác trả lương và các lợi ích tốt hơn. Để cho nhân viên cảm giác vui vẻ làm cùng thì sếp phải là người giúp nhân viên cảm thấy được điều đó. Vậy làm sao để bạn trở thành một sếp tuyệt vời mà ai cũng muốn làm việc cùng?
1. Sếp giỏi đón nhận rủi ro thực sự chứ không phải giả bộ
Nhiều sếp cố trở nên nổi bật theo cách hời hợt. Họ có thể chọn mặc những bộ quần áo khác thường, theo đuổi những sở thích khác thường hoặc công khai ủng hộ những sáng kiến nổi tiếng. Họ cố gắng để nổi bật và họ chọn những cách dễ dàng để làm như vậy.
Những vị sếp tuyệt vời làm điều đó theo cách khó hơn. Họ chọn những quan điểm ít người theo, không vì hy vọng được nổi bật mà vì họ muốn làm những việc đúng đắn. Họ đi những bước đi không mấy người ưa thích. Họ sẵn lòng bước ra khỏi công việc hàng ngày để làm mọi việc tốt hơn.
Họ chấp nhận những rủi ro thực sự vì chính chúng chứ không phải vì những phần thưởng mà họ nghĩ có thể nhận được. Và bằng tấm gương của mình, họ truyền cảm hứng cho những người khác mạo hiểm để đạt được những điều họ tin là có thể đạt được. Những vị sếp tuyệt vời truyền cảm hứng cho nhân viên đạt được những giấc mơ của họ: bằng lời nói, bằng những hành động và quan trọng nhất là bằng ví dụ. Ai mà không muốn làm việc với một sếp như thế?
2. Sếp giỏi thấy cơ hội trong sự bất ổn và không chắc chắn
Những vấn đề bất ngờ, những rào cản không lường trước, những cuộc khủng hoảng lớn là điều mà hầu hết các sếp tránh, đóng cửa chờ bão tan. Những vị sếp giỏi coi khủng hoảng là một cơ hội. Họ biết rất khó có thể tạo ra những thay đổi lớn, kể cả những thay đổi cần thiết, khi mọi việc đang khá trôi chảy. Họ biết rằng sắp xếp lại đội ngũ hoạt động sẽ dễ dàng hơn nhiều khi có một khách hàng lớn rời đi. Những sếp giỏi coi sự bất ổn và không chắc chắn không phải là rào cản mà là một thứ tạo sức mạnh. Họ tái tổ chức, tái định hình và tái sắp đặt để trấn an, tạo động lực và truyền cảm hứng khiến tổ chức trở nên mạnh mẽ hơn. Và điều đó khiến mọi người muốn ở lại chỉ để xem những điều ngày mai sẽ đem đến.
3. Sếp giỏi không che giấu cảm xúc thật của mình
Các sếp tốt thì chuyên nghiệp. Các sếp tuyệt vời thì không những chuyên nghiệp mà còn là người cởi mở. Họ thể hiện sự phấn khích chân thành khi mọi thứ tốt đẹp. Họ thể hiện sự ghi nhận thực sự với công việc vất vả và những nỗ lực gắng sức. Họ thể hiện sự thất vọng thực sự không phải đối với những người khác mà với chính bản thân họ. Họ thậm chí còn sẵn lòng thể hiện một chút giận dữ. Tóm lại, các sếp giỏi cũng là con người và họ cũng đối xử với các nhân viên như những con người. Đó là thứ tất cả chúng ta đều thực sự muốn.
4. Sếp giỏi cứu người khác khỏi những “chiếc xe điên” đang lao tới
Ngay cả những sếp tốt đôi khi cũng quẳng nhân viên xuống gầm xe. Sếp tuyệt vời không bao giờ làm điều này với nhân viên của mình cả. Các sếp tuyệt vời khi thấy chiếc xe điên đang tới, họ sẽ kéo nhân viên ra khỏi đường đi của nó, thường là vào lúc nhân viên còn đang chưa biết điều gì xảy ra, hoặc rất lâu sau mới nhận ra (vì sếp tuyệt vời không bao giờ cần sự công nhận). Khi ai đó tình nguyện đỡ đạn thay cho chúng ta thì họ sẽ truyền cảm hứng cho lòng trung thành tuyệt đối.
5. Sếp giỏi không ngại xắn tay vào làm
Thước đo thực sự của giá trị là sự đóng góp có thể thấy được mỗi ngày. Đó là lý do tại sao bất kể đã đạt được những gì trong quá khứ, các sếp tuyệt vời cũng không ngại xắn tay, ngại bẩn mà làm những việc tầm thường. Không có việc nào là việc hạ đẳng và không có nhiệm vụ nào là tẻ ngắt và không cần kỹ năng. Ai mà lại muốn bỏ một công việc mà họ cảm thấy mọi người và đặc biệt là sếp của họ cũng cùng làm nó?
6. Sếp giỏi lãnh đạo bằng sự cho phép chứ không phải uy quyền
Mọi sếp đều có một chức danh. Chức danh đó cho họ quyền uy để điều khiển người khác, đưa ra các quyết định, tổ chức, hướng dẫn và thi hành kỷ luật. Các sếp tuyệt vời không lãnh đạo vì họ có uy quyền để lãnh đạo. Họ lãnh dạo vì nhân viên muốn họ lãnh đạo. Nhân viên có động lực và cảm hứng nhờ con người họ chứ không phải chức danh của họ. Thông qua lời nói và hành động, các sếp tuyệt vời khiến nhân viên cảm thấy họ đang làm việc với sếp chứ không phải cho sếp của họ. Thật dễ bỏ một vị sếp mà chúng ta làm việc dưới quyền; còn việc rời bỏ một sếp mà ta làm việc sát cánh cùng họ thì khó khăn hơn nhiều.
7. Sếp giỏi đón nhận một mục đích lớn hơn
Sếp tốt làm việc để đạt được các mục tiêu của công ty. Sếp giỏi làm việc để đạt được các mục tiêu của công ty và phục vụ một mục đích lớn hơn: thúc đẩy sự nghiệp của các nhân viên, tạo ra sự khác biệt thực sự trong cộng đồng, giải cứu những nhân viên đang gặp khó khăn, truyền cảm giác tự hào và ý thức về giá trị bản thân ở những người khác.