khi tôi 18

Vì sao bạn dễ bị lừa?

Đẩy bộ chiếc xe cà tàng với vẻ mặt khắc khổ, một người đàn ông tìm đến mọi người xin tiền đổ xăng. Cảm thấy tội nghiệp, bạn lấy tiền cho. Xin chia buồn, bạn là người tiếp theo trở thành nạn nhân của một trò lừa cũ rích…Vì sao bạn dễ bị lừa?

Bạn dễ bị lừa từ những chiêu lừa phổ biến

Không riêng gì bạn, ThS Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kĩ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, chuyên gia về kĩ năng thoát hiểm, cũng từng một lần bị lừa như thế. “Thấy người khác hoạn nạn, không giúp thì áy náy. Nhưng giúp rồi mới biết mình bị lừa. Bởi ngày hôm sau, tôi đã gặp lại người đàn ông ấy với thủ đoạn tương tự”, ThS Hòa An chia sẻ trong chương trình Khi tôi 18 diễn ra vào sáng thứ bảy 29/6/2013 tại tòa soạn báo Mực Tím.

Theo ThS Hòa An, lợi dụng lòng tốt chính là một trong những “chiêu” kẻ xấu thường xài để biến bạn thành nạn nhân trong những phi vụ lừa đảo của chúng. Ngoài xin tiền đổ xăng, chúng còn xin tiền về quê, ăn cơm, sửa xe hay buộc mua tăm ủng hộ người khuyết tật…Thậm chí, chúng cất công dàn dựng hẳn một “kịch bản” để trục lợi từ lòng trắc ẩn của con người. Chẳng hạn như giả vờ va quẹt làm đổ thau bánh, khóc lóc ỉ ôi vì bị giật vé số…mà báo chí đã nhiều lần phản ánh.

khi tôi 18

Chuyện lừa đổi điện thoại “cùi bắp” để lấy iPhone (tất nhiên là dỏm) rộ lên gần đây được ThS Đào Lê Hòa An “tái hiện” lại, giúp độc giả báo Mực Tím và các chiến sĩ Hoa phượng đỏ Q. Phú Nhuận nhận diện thêm một “chiêu” lừa đảo phổ biến khác. Đó chính là đánh vào lòng tham của con người. Vì tham nên người ta dễ bị “mờ mắt” với những món “đồ hiệu giá bèo” hoặc những thứ “từ trên trời rơi xuống”. Để rồi khi “tỉnh” lại, đồ hiệu giá bèo thì trở thành hàng dỏm còn tiền bạc, xe cộ, điện thoại “chính chủ” thì “một đi không trở lại”.

Đến chuyện đối mặt với những tình huống nguy hiểm

Lừa đảo chỉ là một trong nhiều tình huống nguy hiểm mà teen có thể đối mặt trong cuộc sống. Ngoài ra, còn có thể đến những tình huống như bị cướp giật, bị đe dọa, gặp yêu râu xanh (đối với bạn nữ)…Trong những tình huống như vậy, nạn nhân thường bị động, chưa có kinh nghiệm ứng phó và nếu không xử trí kịp thời có thể gánh chịu hậu quả nặng nề. Theo ThS Hòa An, để hạn chế phần nào thiệt hại thì teen có áp dụng những nguyên tắc sau:

– Rèn luyện kĩ năng nhận diện các tình huống nguy hiểm (có thể tham khảo trên báo, internet, xem tivi…)

– Cần bình tĩnh quan sát xung quanh, báo động hoặc nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ (chú ý cách xưng hô, chẳng hạn thay vì “bớ người ta cướp thì có thể báo chú/anh ơi rượt cướp giúp con”)

– Chuyển từ thế bị động sang chủ động (chẳng hạn, nếu bị yêu râu xanh giở trò thì có thể giả vờ đồng ý, rồi “tình nguyện” giúp hắn cởi đồ, kéo quần xuống đến đầu gối thì lấy hết sức bình sinh đạp vào “tọa độ X” và vùng chạy)

– Tận dụng tất cả những ưu điểm của mình (chạy nhanh, hét to,…)

– Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với bất cứ biểu hiện lạ của người khác (như bám theo, nhắn tin làm quen, giả mạo người quen nhờ nạp card điện thoại…)

Ths Hoà An
Ths Hòa An nhiệt tình chia sẻ bí kíp ứng phó với tình huống nguy hiểm
Ths Hoà An và teen
Teen chụp ảnh cùng ThS Đào Lê Hòa An và ban tổ chức chương trình Khi tôi 18 báo Mực Tím

 

Nguồn: kenhsinhvien.net

 

Kỹ năng mềm