Việt Nam đứng thứ 8 về kiểm thử phần mềm

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục được tổ chức AT Kearney (Anh Quốc) đánh giá là 10 điểm đến hàng đầu về kiểm thử phần mềm trên thế giới. Đây là thông tin được các diễn giả chia sẻ tại hội nghị kiểm định phần mềm quốc tế (Vistacon) đang diễn ra tại TPHCM đến hết ngày 26-4.

Hội nghị này do Tập đoàn LogiGear (một công ty chuyên về kiểm định phần mềm), Hội tin học TPHCM và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam phối hợp tổ chức.

kiểm thử phần mềm

Kĩ sư kiểm định phần mềm làm việc tại Tập đoàn LogiGear. Ảnh: LogiGear cung cấp

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc điều hành của Tập đoàn LogiGear, cho hay hoạt động kiểm thử phần mềm ở Việt Nam có còn khá mới song được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Năm 2012, Việt Nam được tổ chức nghiên cứu AT Kearney xếp hạng thứ 8 trên thế giới.

Ông Nguyễn Đình Tạo, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tại TPHCM, nói năm nay thế giới sẽ có bốn công nghệ chủ đạo, gồm: thông tin di động, mạng xã hội, điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Dự báo chi tiêu cho công nghệ sẽ tăng khoảng 6%, tương đương với 2,1 tỉ đô la Mỹ.

“Đồng nghĩa với việc thiết kế và sản xuất nhiều thiết bị công nghệ hơn nữa và kéo theo nhu cầu kiểm thử sản phẩm và phần mềm công nghệ gia tăng và mang lại cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức về đào tạo, tìm kiếm tài năng là khó khăn lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải,” ông nói.

Đồng quan điểm,  ông Hùng cho rằng, nhu cầu về kiểm thử phần mềm trên thế giới đang tăng rất nhanh và Việt Nam có cơ hội giành được nhiều hợp đồng từ các dự án CNTT của nước ngoài. Hiện, các dự án kiểm thử phần mềm của Việt Nam đến từ Nhật Bản, Mỹ và Bắc Mỹ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nói rằng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước như Ấn Độ và Trung Quốc do gặp một thách thức về nguồn cung ứng nhân lực cho dự án của các công ty còn hạn chế. Tại Việt Nam, bình quân cứ 5 lập trình viên thì chỉ có một kỹ sư kiểm thử phần mềm, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ này là 1:3.

Theo ông Hùng,  thực tế cho thấy, số lượng đơn vị đào tạo chuyên sâu, các kĩ sư chuyên nghiệp về kiểm thử phần mềm không nhiều, chưa thể đáp ứng đủ cho các dự án doanh nghiệp.

Tuy  nhiên, với những lợi thế cạnh tranh như: nguồn nhân lực rẻ có sẵn trình độ kỹ thuật; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhanh; môi trường đầu tư an toàn; chất lượng dịch vụ nổi trội và tỉ lệ thay đổi nhân sự thấp… Việt Nam có thể hi vọng và tin tưởng vào khả năng trở thành đối tác kinh doanh đầy tiềm năng và hấp dẫn trong ngành kiểm thử phần mềm.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/